Mã số vùng trồng là một vùng sản xuất chủ yếu một loại cây trồng, có thể bao gồm một hoặc nhiều điểm sản xuất theo yêu cầu của nước nhập khẩu. Mã số vùng trồng (viết tắt là PUC) là mã số định danh cho một vùng trồng nhằm theo dõi và kiểm soát tình hình sản xuất; kiểm soát sinh vật gây hại; truy xuất nguồn gốc nông sản.
Mục đích của kế hoạch thực hiện việc thiết lập, quản lý, giám sát mã số vùng trồng năm 2023 trên địa bàn huyện nhằm đáp ứng các yêu cầu của nước nhập khẩu và tiêu thụ nội địa; đáp ứng các quy định về kiểm dịch thực vật và vệ sinh an toàn thực phẩm (hoạt chất cấm, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất khác…); nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm, tăng cường năng lực quản lý, giám sát, kiểm soát chất lượng, quản lý sinh vật gây hại tại những mã số vùng trồng; nâng cao nhận thức của người dân trong việc tuân thủ các quy định, tiêu chuẩn trong nước và quốc tế, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm nông sản của huyện.

Sầu riêng xã Chánh An đã được cấp 02 mã số vùng trồng
Hiện tại, trên địa bàn huyện có 02 vùng trồng trên cây sầu riêng tại xã Chánh An đã được cấp mã số vùng trồng (01 mã số vùng trồng nội địa và 01 mã số vùng trồng xuất khẩu). Mục tiêu của kế hoạch trong năm 2023, toàn huyện phải thiết lập được 15 mã số vùng trồng trên các loại cây như sầu riêng, bưởi, dừa, lúa, rau màu (trong đó có 07 mã số vùng trồng xuất khẩu với diện tích 224,7 ha, 355 hộ tham gia và 08 mã số vùng trồng nội địa với tổng diện tích 10 ha, 20 hộ tham gia); thực hiện tốt việc giám sát định kỳ đối với các vùng trồng đã được cấp mã số theo đúng hướng dẫn và quy định của nước nhập khẩu, đảm bảo các vùng trồng này luôn luôn duy trì, đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu.
Để thực hiện đạt mục tiêu kế hoạch đề ra, Chủ tịch UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và PTNT chủ trì, phối hợp với UBND các xã, thị trấn rà soát, lồng ghép các chương trình, đề tài, dự án,… gắn với chuyển đổi số trong việc thiết lập, quản lý, giám sát sản xuất tại các mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu năm 2023 và các năm tiếp theo. Phối hợp với Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh thực hiện việc cấp, quản lý mã số vùng trồng nội địa cho các tổ chức, cá nhân thuộc lĩnh vực trồng trọt; hướng dẫn, thiết lập, kiểm tra giám sát mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu; thường xuyên kiểm tra, giám sát hàng năm tại mã số vùng trồng. Tổ chức tập huấn về các quy định và kỹ thuật cho cán bộ, quản lý cấp xã trong công tác thiết lập, kiểm tra, giám sát tại mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu. Phân công cán bộ chuyên môn phụ trách, nắm bắt tình hình sản xuất tại các mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu và nội địa (sử dụng vật tư đầu vào, việc cập nhật sổ nhật ký đồng ruộng,...để đảm bảo quy trình sản xuất, yêu cầu của nước nhập khẩu). Phối hợp với Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện hướng dẫn các tổ chức, cá nhân sản xuất đã được cấp mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu sử dụng hóa chất (thuốc bảo vệ thực vật, phân bón,..) đúng theo quy định của nước ta và nước nhập khẩu.
Đồng thời, Chủ tịch UBND huyện cũng chỉ đạo UBND các xã, thị trấn thực hiện rà soát, lập danh sách các vùng trồng ưu tiên để cấp mã số vùng trồng trên địa bàn quản lý; chỉ đạo công chức phụ trách nông nghiệp, cộng tác viên ngành nông nghiệp,… phối hợp chặt chẽ với Phòng Nông nghiệp và PTNT trong việc triển khai tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn, cấp, quản lý mã số vùng trồng cho các tổ chức, cá nhân. Phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện công tác kiểm tra, giám sát định kỳ theo quy định đối với các mã số vùng trồng; thực hiện tốt chế độ thỉnh thị, báo cáo khi có yêu cầu./.
Trí - VPUBH (Nguồn: Quyết định số 1330/QĐ-UBND, ngày 24/4/2023)