Theo cảnh báo của các chuyên gia, lớp đất mặt ruộng có lượng dinh dưỡng chỉ sâu khoảng 20cm. Do đó, nếu người dân cào đất mặt để cải tạo ruộng lúa thì cần tốn nhiều thời gian, bón nhiều phân mới cải thiện được chất dinh dưỡng cho mặt đất. Mặt khác, sau khi lớp đất mặt nhiều chất dinh dưỡng bị lấy đi hết thì đến phần đất sinh phèn. Phần đất này có thể gây ngộ độc hữu cơ cũng như không cung cấp chất dinh dưỡng cho cây lúa phát triển được. Điều này đồng nghĩa sẽ làm năng suất bị sụt giảm nhiều và phải tốn ít nhất từ 5 đến 7 năm mới phục hồi lại chất dinh dưỡng cho mặt ruộng.

Người dân đang khai thác lớp mặt đất ruộng trên địa bàn huyện
Để kịp thời chấn chỉnh, có biện pháp ngăn chặn việc khai thác đất mặt (lớp mặt của đất ruộng) của người dân trên địa bàn huyện; Chủ tịch UBND huyện giao Chủ tịch UBND các xã, thị trấn đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước có liên quan đến hoạt động khai thác, vận chuyển, kinh doanh đất mặt (lớp mặt của đất ruộng) đến các tổ chức, cá nhân trên địa bàn biết; đồng thời triển khai cho các tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động này ký bản cam kết, chấp hành đúng theo quy định của pháp luật.
Tại khoản 1 Điều 2 Luật Khoáng sản năm 2010 quy định như sau: “Khoáng sản là khoáng vật, khoáng chất có ích được tích tụ tự nhiên ở thể rắn, thể lỏng, thể khí tồn tại trong lòng đất, trên mặt đất, bao gồm cả khoáng vật, khoáng chất ở bãi thải của mỏ”. Theo đó, đất được xác định là khoáng sản theo quy định của pháp luật.
Tại điểm a khoản 2 Điều 15 Luật Khoáng sản năm 2010 quy định: “Tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản có trách nhiệm hỗ trợ chi phí đầu tư nâng cấp, duy tu, xây dựng hạ tầng kỹ thuật sử dụng trong khai thác khoáng sản và xây dựng công trình phúc lợi cho địa phương nơi có khoáng sản được khai thác theo quy định của pháp luật”. Theo đó, việc khai thác đất phải thực hiện đồng thời với việc duy tu, sửa chữa các tuyến đường giao thông tại địa phương.
Tại điểm b khoản 2 Điều 64 Luật Khoáng sản năm 2010 quy định: “Khai thác trong diện tích đất ở thuộc quyền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân để xây dựng các công trình của hộ gia đình, cá nhân trong diện tích đó”. Theo đó, việc khai thác đất trong phạm vi quyền sử dụng đất chỉ được sử dụng cho các công trình trong phạm vi thửa đất khai thác.
Tại khoản 1 Điều 43 Nghị định số 36/2020/NĐ-CP, ngày 24/3/2020 của Chính phủ quy định: “Đối với hành vi khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trong diện tích đất thuộc quyền sử dụng đất ở của hộ gia đình, cá nhân mà không sử dụng để xây dựng các công trình của hộ gia đình, cá nhân trong diện tích đó thì xử phạt như sau: phạt cảnh cáo đối với trường hợp sử dụng khoáng sản sau khai thác để cho, tặng người khác; phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với trường hợp đem bán khoáng sản sau khai thác cho tổ chức, cá nhân khác” và khoản 4 Điều 43 Nghị định số 36/2020/NĐ-CP, ngày 24/3/2020 của Chính phủ quy định: “Biện pháp khắc phục hậu quả: buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp lĩnh vực khoáng sản có được do thực hiện vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều này”.
Tại khoản 1 Điều 47 Nghị định số 36/2020/NĐ-CP, ngày 24/3/2020 của Chính phủ quy định như sau:
“1. Phạt tiền đối với hành vi khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường không sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, cụ thể như sau:
a) Từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng khi tổng khối lượng khoáng sản đã khai thác tại thời điểm phát hiện vi phạm đến dưới 10 m3;
b) Từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng khi tổng khối lượng khoáng sản đã khai thác tại thời điểm phát hiện vi phạm từ 10 m3 đến dưới 20 m3;
c) Từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng khi tổng khối lượng khoáng sản đã khai thác tại thời điểm phát hiện vi phạm từ 20 m3 đến dưới 30 m3;
d) Từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng khi tổng khối lượng khoáng sản đã khai thác từ 30 m3 đến dưới 40 m3;
đ) Từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng khi tổng khối lượng khoáng sản đã khai thác tại thời điểm phát hiện vi phạm từ 40 m3 đến dưới 50 m3;
e) Từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng khi tổng khối lượng khoáng sản đã khai thác tại thời điểm phát hiện vi phạm từ 50 m3 trở lên”.
Tại khoản 4 Điều 47 Nghị định số 36/2020/NĐ-CP, ngày 24/3/2020 của Chính phủ được sửa đổi, bổ sung Nghị định số 04/2022/NĐ-CP, ngày 06/01/2022 của Chính phủ quy định: “Hình thức xử phạt bổ sung: tịch thu toàn bộ tang vật là khoáng sản trong trường hợp chưa bị tiêu thụ, tẩu tán, tiêu hủy; tịch thu phương tiện sử dụng vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều này”.
Tại khoản 5 Điều 47 Nghị định số 36/2020/NĐ-CP, ngày 24/3/2020 của Chính phủ được sửa đổi, bổ sung Nghị định số 04/2022/NĐ-CP ngày 06/01/2022 quy định: “Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc thực hiện các giải pháp cải tạo, phục hồi môi trường khu vực đã khai thác, đưa khu vực khai thác về trạng thái an toàn;
c) Buộc nộp lại số tiền bằng trị giá tang vật là khoáng sản có được do thực hiện vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều này trong trường hợp đã bị tiêu thụ, tẩu tán, tiêu hủy trái quy định của pháp luật”.
Từ những quy định nêu trên, đất mặt trên đồng ruộng là tài nguyên khoáng sản, không được tự ý khai thác, vận chuyển đi nơi khác nhằm vào mục đích cho, tặng hay kinh doanh. Tùy theo hành vi khai thác, khối lượng khoáng sản đã khai thác, được tính bằng mét khối (m3) theo quy định nêu trên sẽ bị phạt tiền với mức thấp nhất là phạt cảnh cáo đến mức cao nhất là 50 triệu đồng, áp dụng các hình thức phạt bổ sung và các biện pháp khắc phục hậu quả.
Đồng thời, Chủ tịch UBND huyện cũng giao Chủ tịch UBND các xã, thị trấn thực hiện tốt công tác kiểm tra, xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân còn cố ý vi phạm sau khi đã được thông tin, tuyên truyền và đã ký vào bản cam kết; chủ động phối hợp Tổ công tác kiểm tra hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản về bảo vệ môi trường của huyện tiến hành lập hồ sơ xử lý vi phạm đúng trình tự, thủ tục và thẩm quyền theo quy định.

Trong quá trình tổ chức thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc đề nghị Chủ tịch UBND các xã, thị trấn phản ánh kịp thời về Phòng Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp, báo cáo Chủ tịch UBND huyện có ý kiến chỉ đạo./.
Trí - VPUBH (Nguồn: Công văn số 274/UBND-KTN, ngày 13/3/2023)