
Ông Nguyễn Chí Quyết, Phó Chủ tịch UBND huyện phát biểu chỉ đạo hội nghị
Trong năm 2022, huyện Mang Thít đã thực hiện tốt chính sách đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi nhằm thúc đẩy phát triển nông nghiệp của địa phương; tình hình dịch bệnh trên cây trồng và vật nuôi được kiểm soát tốt, không để dịch bệnh xảy ra trên diện rộng, qua đó góp phần ổn định sản xuất cho người dân… Cụ thể, tốc độ tăng giá trị tăng thêm ngành nông nghiệp - thủy sản năm 2022 của huyện tăng 1,65% so với năm 2021; tỷ lệ giá trị sản phẩm nông lâm thủy sản được sản xuất dưới các hình thức hợp tác và liên kết ước đạt 5%; tỷ lệ giá trị sản phẩm nông, lâm, thủy sản được sản xuất theo Quy trình sản xuất tốt hoặc tương đương ước đạt 4%; tỷ lệ giá trị sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ước đạt 5%; tỷ lệ lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội giảm còn 49,52%; tỷ lệ lao động nông nghiệp qua đào tạo ước đạt 40%; trên 30% hợp tác xã nông nghiệp hoạt động hiệu quả; thu nhập bình quân khu vực nông thôn tăng 04 triệu đồng so với năm 2021. Có 95,5% hộ dân nông thôn sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung.
Bên cạnh đó, diện tích, năng suất, sản lượng của lúa giảm, tuy nhiên giá lúa tăng, với tổng diện tích gieo trồng lúa cả năm đạt 14.763 ha, giảm 2.344 ha so năm 2021, năng suất bình quân đạt 5,712 tấn/vụ, giảm 0,18 tấn/ha so năm 2021, sản lượng thu hoạch đạt 84.331 tấn, so với năm trước giảm 13.679 tấn; tổng diện tích rau màu xuống giống 3 vụ là 2.902,84 ha các loại cây màu chủ yếu như khoai mỡ, rau cải các loại, đậu các loại, dưa hấu, bắp,… so với cùng kỳ năm 2021 tăng 18% so với cùng kỳ năm 2021. Sản lượng thu hoạch đạt 53.033 tấn, và tăng 1.350 tấn so cùng kỳ.

Quang cảnh hội nghị
Đồng thời, toàn huyện ước diện tích thả nuôi cả năm là 255 ha, tăng 29 ha so với năm trước, trong đó, cá tra 79 ha, giảm 3 ha, cá nuôi trên mương vườn 96 ha và cá nuôi trên ruộng lúa 80 ha; thu hoạch 168 ha, với sản lượng đạt 18.580 tấn, trong đó sản lượng cá tra 17.120 tấn. Ngoài ra sản lượng khai thác đánh bắt tự nhiên ước khoảng 675 tấn.
Về công tác xây dựng xã nông thôn mới (NTM), xã Tân Long Hội đạt chuẩn xã NTM, xã Chánh An đạt chuẩn NTM nâng cao, ấp Tân Mỹ xã Chánh An, ấp An Hội xã Tân An Hội, ấp Phước Thủy xã An Phước đạt ấp NTM kiếu mẫu.
Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận, đề ra nhiều giải pháp, nhiệm vụ cho năm 2023. Đồng thời, Mang Thít đề nghị Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh hỗ trợ huyện như: Xây dựng mô hình sản xuất lúa, khoai mỡ, củ cải trắng theo hướng hữu cơ và mô hình sản xuất bưởi, dừa đạt hữu cơ; thực hiện truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm chủ lực của 9 xã Bình Phước, Tân Long, Long Mỹ, Tân An Hội, An Phước, Mỹ An, Mỹ Phước, Nhơn Phú và Hòa Tịnh; Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh tổ chức nhiều lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao chất lượng cho đội ngũ cán bộ quản lý về ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp; quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa; quy trình canh tác theo hướng hữu cơ, canh tác hữu cơ trên cây trồng tại huyện.
Trần Phong
TTVH-TT-TT Huyện Mang Thít