Theo đó, Kế hoạch được thực hiện với mục đích nhằm tiếp tục nâng cao nhận thức, tầm quan trọng trong công tác xây dựng nông thôn mới (NTM) đến với từng cán bộ, công chức và người dân nông thôn. Từng bước xây dựng NTM theo hướng hiện đại, thông minh giai đoạn 2021 – 2025. Đề ra chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phù hợp với tình hình thực tiễn địa phương; tạo sự đồng thuận, thống nhất ý chí cao trong cả hệ thống chính trị và toàn dân quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ đề ra trong năm 2023. Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM gắn với quá trình đô thị hóa, đi vào chuyên sâu, hiệu quả, bền vững.

Xã Chánh An chuẩn bị đón nhận quyết định công nhận xã đạt chuẩn NTN nâng cao năm 2022
Kế hoạch được ban hành nhằm tiếp tục thực hiện mục tiêu phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ở khu vực nông thôn ngày càng được nâng cao; kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội từng bước hiện đại, thông minh; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất phát triển phù hợp; gắn phát triển nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, ngành nghề nông thôn; phát triển song song giữa nông thôn và đô thị theo quy hoạch; cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp được thực hiện tạo bộ mặt mới cho nông thôn; hệ thống chính trị được tăng cường, an ninh trật tự xã hội được giữ vững. Phấn đấu đến năm 2025 có 85% xã trên địa bàn tỉnh đạt chuẩn NTM, trong đó có 40% xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 10% xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu và có thêm 02 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Cụ thể, phấn đấu đến cuối năm 2023, toàn tỉnh có thêm 05 xã đạt chuẩn NTM, 04 xã đạt chuẩn NTM nâng cao (trong tổng số 06 xã đăng ký). Ngoài ra các huyện, thị xã đăng ký phấn đấu xây dựng đạt chuẩn 04 xã NTM kiểu mẫu; trình Hội đồng thẩm định Trung ương công nhận huyện Tam Bình đạt chuẩn NTM. Riêng các xã đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao tiếp tục nâng chất, giữ vững tiêu chí giai đoạn 2021-2025 và xây dựng xã đạt chuẩn ở mức độ cao hơn. Đối với huyện Mang Thít, năm 2023 sẽ phấn đấu đưa xã Mỹ An đạt chuẩn xã NTM và xã Tân An Hội đạt chuẩn xã NTN nâng cao.
Để phấn đấu thực hiện đạt mục tiêu trên, Kế hoạch đã nêu một số giải pháp trọng tâm như:
Tập trung chỉ đạo thực hiện các công trình hạ tầng cơ bản trên địa bàn xã, ấp thuộc nhóm tiêu chí về hạ tầng nông thôn (giao thông, thủy lợi, điện, trường học, nhà ở dân cư).
Thực hiện tốt và bền vững nhóm tiêu chí nội lực nông thôn: Đẩy mạnh phát triển sản xuất gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng liên kết chuỗi giá trị của tỉnh; Đồng thời đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn nông thôn, làng nghề và có kết hợp với phát triển du lịch nông thôn; thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho cư dân nông thôn. Từng bước tạo chuyển biến rõ nét về vệ sinh, môi trường, cảnh quan nông thôn xanh - sạch - đẹp (trồng hoa, cây xanh ven đường, trường học, v.v…). Xây dựng đời sống văn hóa nông thôn và giữ gìn an ninh, trật tự xã hội và quốc phòng tại địa phương.
Phối hợp thực hiện lồng ghép nâng cao hiệu quả công tác truyền thông về nông thôn mới, kiện toàn Ban Chỉ đạo và bộ máy tham mưu, giúp việc các cấp theo hướng chuyên nghiệp và tăng cường năng lực kiểm tra, giám sát thực hiện Chương trình.
Kế hoạch cũng nêu rõ nguồn kinh phí để tổ chức thực hiện việc xây dựng NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh từ nguồn vốn huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để triển khai thực hiện Kế hoạch. Cụ thể là, nguồn ngân sách nhà nước cấp năm 2023 (chi đầu tư phát triển, chi thường xuyên) theo phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành gồm Trung ương, tỉnh, huyện, xã và nguồn lực huy động từ các doanh nghiệp, cộng đồng dân cư và các nguồn hợp pháp khác, … để thực hiện chương trình.
M. D
Nguồn: Kế hoạch số 02/KH-BCĐ