Theo số liệu báo cáo của cơ quan chuyên môn; đến nay công tác tiêm phòng vắc xin cho đàn vật nuôi trên địa bàn đạt tỷ lệ rất thấp, chưa đạt yêu cầu kế hoạch đề ra; cụ thể tiêm phòng vắc xin lở mồm long móng đạt 78,11%, viêm da nổi cục đạt 84,9%. Các đơn vị có tỷ lệ tiêm phòng thấp như xã An Phước, Bình Phước, Nhơn Phú, Hòa Tịnh, Tân Long Hội, thị trấn Cái Nhum; do đó, nguy cơ xảy ra và lây lan dịch bệnh trên đàn vật nuôi tại các địa bàn này là rất cao.
Để chủ động phòng ngừa dịch bệnh phát sinh đối với cây trồng, vật nuôi trên địa bàn huyện, nhằm hạn chế dịch bệnh lây lan trên diện rộng cũng như giảm đến mức thấp nhất về thiệt hại kinh tế cho người chăn nuôi, đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng; Chủ tịch UBND huyện đã giao Chủ tịch UBND các xã, thị trấn tiếp tục tổ chức thực hiện nghiêm túc các nội dung chỉ đạo của Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Vĩnh Long, UBND huyện về công tác phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng, đàn vật nuôi; đặc biệt là đối với công tác phòng, chống dịch bệnh dịch tả heo (lợn) Châu Phi, lở mồm long móng, viêm da nổi cục trên trâu bò, cúm gia cầm,... Triển khai các mô hình điểm về lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi có sự liên kết giữa sản xuất, chế biến và tiêu thụ, an toàn dịch bệnh, có hiệu quả, giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội của địa phương để người dân tham khảo, áp dụng vào thực tế sản xuất. Đẩy nhanh tiến độ tiêm phòng vắc xin bệnh viêm da nổi cục trên trâu bò, lở mồm long móng, cúm gia cầm và bệnh dại trên động vật; đảm bảo phải hoàn thành công tác tiêm phòng vắc xin cho số gia súc, gia cầm đủ điều kiện tiêm phòng, đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Triển khai thực hiện tốt tháng tổng vệ sinh, tiêu độc khử trùng môi trường phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn huyện (đợt 4); đồng thời chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND huyện, nếu công tác tiêm phòng vắc xin phòng bệnh trên đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn quản lý không đảm bảo tiến độ, tỷ lệ theo quy định để dịch bệnh phát sinh, lây lan tại địa bàn cũng như lây lan rộng ra các địa bàn khác.
Chủ tịch UBND huyện cũng giao Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện chủ trì, phối hợp các Trạm Khuyến nông, Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Chăn nuôi Thú y và Thủy sản thường xuyên theo dõi, thông tin các dự báo về khả năng phát sinh các loại dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi trong thời gian tới và hướng dẫn các biện pháp phòng trừ để các địa phương biết, chuẩn bị ứng phó kịp thời đảm bảo theo quy định. Kiểm tra, giám sát việc thực hiện các biện pháp chủ động phòng, chống dịch bệnh tại các xã, thị trấn; phối hợp với Đoàn công tác liên ngành huyện tăng cường kiểm tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển, giết mổ gia cầm, gia súc, sản phẩm gia cầm, gia súc sai quy định, không rõ nguồn gốc. Rà soát, tổng hợp kết quả thực hiện một số mô hình điểm về trồng trọt, chăn nuôi có sự liên kết giữa sản xuất, chế biến và tiêu thụ, an toàn dịch bệnh, có hiệu quả, giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội của từng địa phương và thông tin đến các xã, thị trấn để tuyên truyền, hướng dẫn, khuyến cáo người dân học hỏi, tham khảo, áp dụng. Phối hợp với UBND các xã, thị trấn chỉ đạo cộng tác viên thú y thực hiện rà soát, nắm chắc tổng đàn vật nuôi trên địa bàn, hướng dẫn tổ chức chăn nuôi với quy mô hợp lý, phù hợp với khả năng quản lý nhằm phòng, chống dịch bệnh đạt hiệu quả.

Lực lượng thú y tiêm phòng cho đàn vật nuôi (ảnh minh họa)
Ngoài ra, UBND huyện cũng đề nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện, các cơ quan, ngành huyện có liên quan phối hợp với Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, UBND các xã, thị trấn tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên, người dân sản xuất nông nghiệp thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, góp phần thực hiện kế hoạch phòng, chống dịch bệnh của huyện đạt kết quả cao nhất./.
Trí - VPUB