*Khá lên từ Vương quốc gạch gốm và nuôi con du học
Tiếp chúng tôi trong căn nhà có hai mặt tiền rất khang trang được xây dựng mới với kiến trúc hiện đại, sang trọng, nhà có hai mặt tiền thuộc ấp Long Hòa 1, xã Long Mỹ, mặt trước cửa nhà giáp con sông có đường đan ngang qua, mặt sau giáp con lộ nhựa, chú Nguyễn Văn Khương sinh năm 1955 (thường gọi là Mười Khương) và vợ Đặng Lệ Hồng, sinh năm 1954, kể cho chúng tôi nghe về câu chuyện làm từ thiện của gia đình chú.

Gia đình chú Nguyễn Văn Khương, ấp Long Hòa 1, xã Long Mỹ
Nhà có 5 công ruộng và 4 công vườn, thời điểm khoảng trên 30 năm về trước người dân chủ yếu làm ruộng, vườn cũng toàn cây tạp nên thu nhập cũng bấp bênh, gia đình sinh được 3 cô con gái đến tuổi ăn học. Chú Mười Khương bắt đầu tìm hướng kinh doanh mua bán để có đồng ra đồng vô xoay sở lo cho gia đình. Thời điểm đó cũng là thời hoàng kim của vương quốc gạch gốm Mang Thít, chú Mười gom vốn mua xe tải về chở gạch gốm bán cho các tỉnh lân cận, có khi chở đi bán tận Tây Ninh, rồi An Giang, Long An…. Gặp thuận lợi trong mua bán, những chuyến xe chở gạch gốm cứ nối tiếp nhau liên tục, thu được nhiều lợi nhuận nên kinh tế gia đình dần trở nên khấm khá.
Chạy xe tải chở gạch được thời gian dài, chú Mười Khương bắt đầu chuyển sang xây lò nung gạch gốm. Nếu ai sinh ra và lớn lên ở Miền Tây hẳn sẽ biết rất rõ có một làng nghề gạch gốm nằm một dãy bên dòng sông Cổ Chiên và Kinh Thầy Cai thuộc huyện Mang Thít có từ bao đời nay. Nghề sản xuất gạch gốm của huyện Mang Thít không chỉ đem lại lợi ích về kinh tế cho các cơ sở lò mà còn mang lại hiệu quả rất lớn cho xã hội, góp phần giải quyết công ăn việc làm, tạo thu nhập ổn định cho rất đông người dân địa phương.
Vương quốc gạch gốm trên địa bàn huyện Mang Thít thời hoàng kim của những năm 1980 có khoảng 1.000 cơ sở gạch gốm với hơn 3.000 miệng lò hoạt động xuyên suốt quanh năm, cung cấp gạch thẻ, gạch ống, gạch tàu, gốm với số lượng lớn cho người dân trong huyện và các vùng lân cận xây dựng các công trình nhà ở và các công trình công cộng, ngoài ra còn xuất khẩu đi nước ngoài.
Có lẽ biết tận dụng thời thế nên hoạt động của mấy miệng lò của gia đình chú diễn ra liên tục, lúc cao điểm mùa xây dựng thì nung không đủ gạch để giao. Có thế mới biết thời huy hoàng của những người sản xuất kinh doanh là đúng nghề và đúng thời điểm. Chỉ trong thời gian 10 năm làm nghề gạch gốm mà gia đình chú khấm khá lên rất nhiều. Chính vì có kinh tế ổn định nên chú thím đầu tư cho cô con gái thứ hai sinh năm 1976 đi du học ở Úc và hiện tại đang có cuộc sống ổn định bên Úc. Chuyện du học nước ngoài đối với người dân thôn quê quả là chuyện khó nhưng gia đình chú vẫn cố gắng. Người con gái thứ 3 của chú thím cũng được ăn học tới nới tới chốn và hiện làm ở Công ty Du lịch ở Vĩnh Long. Riêng cô con gái út hiện đang theo chồng định cư tại Mỹ và có công ăn việc làm ổn định. Có thể nói đây là một gia đình nông dân có tư tưởng rất tiến bộ đáng được mọi người noi theo.
*Làm từ thiện từ những việc nhỏ
Từ khi kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn trước mắt, vừa lo làm ăn, vừa lo nuôi con ăn học nhưng gia đình chú Mười Khương đã bắt đầu nghĩ đến những hoàn cảnh khó khăn hơn mình từ rất sớm. Dù ban đầu chỉ là những phần quà nhỏ của gia đình công thêm ít quà chú vận động từ người thân đã giúp người dân nghèo ở quê có gạo, có nhu yếu phẩm ăn Tết nhưng với người nghèo đây là cả một tấm lòng thiện nguyện đáng được trân trọng.
Cách nay khoảng 20 năm, thấy bà con trong xã Long Mỹ, đặc biệt ấp Long Hòa 1 nơi gia đình chú sinh sống, có nhiều hộ dân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, không có được căn nhà lành lặn che mưa che nắng, cảm thông trước những hoàn cảnh như vậy gia đình chú đã hỗ trợ tiền, gạch xây nhà tình thương cho hộ nghèo. Tính đến nay có trên 10 căn nhà tình thương được gia đình chú giúp đỡ. Qua đây góp phần cùng chia sẽ với chính quyền địa phương giảm bớt khó khăn trong công tác an sinh xã hội.
Qua thời gian, bây giờ những chiếc lò gạch ấy chỉ còn tồn tại trong miền ký ức, đã qua rồi những năm tháng nghi ngút khói lò thay vào đó là những viên gạch được tạo ra bằng hệ thống lò nung liên hoàn, hiện đại, ít ô nhiễm môi trường. Và trong tương lai, vương quốc lò gạch nơi đây sẽ trở thành “Di sản văn hóa đương đại Mang Thít” trong thời giangần nhất. Hứa hẹn một vùng đất tiềm năng mang đến cho quê hương Mang Thít một hướng đi mới phát triển bền vững.
Gắn bó với nghề sản xuất gạch hơn 10 năm, nhưng hiện tại công việc làm ăn của gia đình chú Mười Khương cũng giống như những gia đình khác, ngưng sản xuất gạch gốm, có nhà chuyển đổi sang làm trại nuôi gà gia công, có người dở lò gạch, cải tạo lại đất và trồng cây ăn trái. Riêng gia đình chú thì nghỉ hưu an dưỡng tuổi già vì con cái đã trưởng thành và có gia đình riêng với cuộc sống ổn định.
Mặc dù vậy nhưng với công tác thiện nguyện từ trước tới nay chú vẫn duy trì đều đặn hàng năm, mỗi năm hỗ trợ tặng quà cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ khó khăn khoảng 40 triệu đồng/năm. Mấy năm gần đây khi địa phương phát động làm đèn đường thắp sáng thôn quê, gia đình chú và người thân tự nguyện đóng góp hỗ trợ làm đèn đường cho người dân đi lại dễ dàng vào ban đêm. Từ năm 2019 đến năm 2020, ấp Long Hòa 1 và Long Hòa 2 đã hoàn thiện khoảng 210 cột đèn đường với chiều dài khoảng hơn 5km, tổng kinh phí trên 200 triệu đồng do gia đình chú tài trợ hoàn toàn.
*Làm từ thiện không phô trương
Khi chúng tôi hỏi thăm về chuyện làm từ thiện của gia đình, chú Mười Khương rất ngại chia sẻ, bởi chú tâm niệm “đã làm từ thiện thì không phô trương, thấy giúp được gì cho xã hội thì giúp”. Cuộc sống này rất cần những tấm lòng như thế!
Chú Mười Khương chia sẻ thêm: “Gia đình tôi luôn tích cực tham gia các hoạt động xã hội do địa phương phát động. Nếu địa phương vận động thì dù có khó khăn tôi vẫn sẵn sàng đóng góp, vì tình làng nghĩa xóm đùm bọc lẫn nhau”.
Vì những việc làm trên, năm 2019 chú Nguyễn Văn Khương được UBMTTQ VN tỉnh Vĩnh Long tặng bằng khen đạt thành tích xuất sắc trong thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng Nông thôn mới, đô thị văn minh giai đoạn 2016-2019” và bằng khen của UBND tỉnh Vĩnh Long “đã có thành tích đóng góp, vận động đóng góp tiền, vật chất xây dựng Nông thôn mới tỉnh Vĩnh Long năm 2019”.
Gia đình chú Nguyễn Văn Khương xứng đáng là một gia đình văn hóa tiêu biểu nhiều năm liền của xã Long Mỹ nói riêng và của huyện Mang Thít nói chung. Đây là một trong những tấm gương đang lặng lẽ đóng góp cho đời, góp phần chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn cùng địa phương ./.
Hồng Chân